VỀ MIỀN TÂY: BỨC TRANH SÔNG DÀI- CÁNH ĐỒNG QUÊ BÁT NGÁT
Đi qua các quận ngoại ô Sài Gòn- Hồ Chí Minh,hướng về miền Tây. Hết trục đường Hóc Môn là sẽ tới thị trấn Đức Hòa ,Long An. Tương tự đi qua quận Bình Chánh là chạm vào địa phận Bến Lức, Long An.Cứ đi thẳng tiếp con đường quốc lộ 1 A này sẽ qua các tỉnh:Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Người miền Tây Nam Bộ tính cánh mộc mạc hiền hòa , hiếu khách. Khi nhận vẽ tranh tường nơi đây họ đều hỏi giá thẳng, không hoa mỹ vòng vo : Bức tranh tường này cậu lấy giá bao nhiêu? Vẽ cho tôi có chỗ ăn ở, tắm giặt không lo gì cả, cứ ở lại chơi muốn đi đâu có người đưa đón. Xuống tới nơi , tranh chưa vẽ dừa đã chặt cả buồng, cà phê gọi tới tấp, trái cây để vây quanh ăn không kịp, cơm trưa cá từ ao câu lên to choán hết cả mâm, nhìn thấy đã no rồi. Khi vẽ tranh xong trở về Sài Gòn là bao quà cáp lỉnh kỉnh nặng xe.
Khác với không gian ồn ào và ngột ngạt của Sài Gòn. Lâu lâu thả tâm hồn phóng xe đi miền Tây vẽ tranh, qua tới Cầu Mỹ Thuận hoặc Cầu Thơ đã thấy dòng sông và bầu trời trôi như mơ phía trước. Luồng xe cộ cũng đi không vội vã, hai ven đường hàng cây xanh mát rượi, bên trong lấp ló những quán cà phê chòi ,võng luôn chờ đợi khách tới. Nếu ghé vô nghỉ chân nhiều khi ngủ quên mà không hay biết.
Có lẽ dải đất trù phú màu mỡ và thiên nhiên mưa thuận gió hòa đã ban tặng cho con người nơi đây tính cách dễ chịu. Nhiều ông chủ giàu có bạc vạn mà vẫn xuề xòa bình dị , lòng chợt thấy ái ngại khi chưa làm được gì mà đã phiền đến gia chủ. Nhưng ông vẫn nói : Không sao cả đâu cậu à, xuống đây vẽ tranh là tôi vui lắm rồi.
Đó không phải một câu nói xã giao. Có nhiều gia chủ sẵn sàng chặt cả một cây cảnh lớn vì nó choán một phần bức tranh. Cái gu yêu tranh người miền Tây cũng khác.Có khi họ không ngủ mà bật đèn ngắm tranh cả đêm.Sáng dậy vẫn đi ra đồng, chiều về lại rủ rê nhậu lai rai. Cái chân tình của gia chủ khiến người vẽ thuê nghĩ ngợi, có cảm giác mắc nợ họ, bản thân muốn vẽ tranh thật đẹp nhưng chỉ làm được có vậy.
Ấn tượng những chuyến đi vẽ ở miền Tây sao mà kể hết. Có nhiều khi chưa cầm cọ đã thấy dòng sông và cánh đồng bát ngát đang hiện ra trước mắt, tranh như có sẵn cứ kéo ra ngoài đặt lên tường thôi. Khi đi vẽ ở Đồng Tháp Mười , đích thị ông chủ dẫn ra tận mảnh ruộng gia đình để ngắm.Cũng là cảnh làm nông mà khác xa phía Bắc. Vì trong tay lão nông dân có hàng trăm mẫu ruộng. Giờ ngẫm lại câu nói ,"đất thẳng cánh cò bay" là có thật. Nhìn cuối chân trời chỉ thấy vài đám mây lấp ló dưới một màu vàng ươm của lúa chín bạt ngàn. Lòng cảm xúc mênh mông trước "cánh đồng bất tận" trong tầm mắt đời thực, chứ không phải trong tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Gió chợt reo thấy hồn trôi theo dòng sông mải miết. Thật là, "bâng khuâng trời rộng,nhớ sông dài" (Huy Cận)
Chiều về với món thịt rắn và chuột đồng, chủ và khách bàn về chuyện vẽ tranh. Gia chủ nói: Cậu cứ tự vẽ theo ý mình đi, đừng gò ép cảm xúc làm gì, vì với tôi chỉ cần có tranh là được. Nói là vậy nhưng khi vẽ thì trầm ngâm góp ý: Cái con thuyền kia là giống ngoài Bắc rồi, thuyền trong Nam không cong cong như vậy.
Và rồi khi trả tiền và quà cáp xong những con người thiện lành và mến khách vẫn còn hò hẹn: Nay mai vào vụ mùa cậu lại tới vẽ cho tôi vài bức nữa nhé! Khi đó có nhiều cái vui lắm, bao nhiêu loại trái cây mà cậu chưa được ăn. Đến lúc đó cá ba sa kéo lên một ngày có khi cả trăm tấn. Sự hồ hởi của ông chủ kiêm lão nông đã làm kẻ vẽ thuê hào hứng và khát thèm thực sự. Muốn được vẽ tranh tường thật nhiều để chữa lành chính tâm hồn mình. Xin hò hẹn với niềm vui mời gọi.
Lại những chuyến đi cho cuộc chơi dông dài đầy tình thương và cảm xúc. Thế mới biết ,con người mải mê bôn ba khắp nẻo, thì thời gian làm sao có thể dừng lại được. Mây cứ trôi, đời tuôn ra vạn lối. Ta vội chất thời gian lên vai, gọi cánh đồng múa hát . Thì thầm dòng chảy ngược xuôi, quanh co uốn khúc. Đi về miền Tây ,bỗng nhặt được câu hò nghe xa xăm quá !
Nguyễn Tâm -Art (2025)