Mỹ Thuật Tâm Nguyễn - Vẽ Tranh Tường Trang Trí Chuyên Nghiệp Dĩ An

Tản Mạn Về Nghề Vẽ Tranh Tường Tại Sài Gòn

Ngày đăng: 26/04/2024

    TRANH TƯỜNG SÀI GÒN VÀ NHỮNG CON PHỐ VỚI ĐỦ SẮC MÀU.

    Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, khu đô thị lớn nhất Việt Nam. Với nền kinh tế dẫn đầu cả nước, dân số xêm xêm 10 triệu người. Vì vậy mật độ giao thông luôn dày đặc và quá tải. Dù cho cơ sở hạ tầng có hiện đại đến bao nhiêu thì Sài Gòn- Hòn ngọc viễn đông vẫn luôn bị ngột ngạt theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

    Vì là nơi hội tụ của nhiều tầng lớp người tứ xứ đổ về, Sài Gòn luôn có đủ mọi màu sắc pha trộn. Tiếng nói, phong tục vùng miền đan xen lẫn nhau. Kinh tế, văn hóa cũng từ đó giao thoa và phát triển. Công xưởng làm việc hay văn phòng cơ quan đều hướng tới một mục đích là làm giàu.

    Trong cái bức tranh đô thị náo nhiệt của sài thành có một nghề vẽ tranh tường, gọi nôm na là Nghệ thuật đường phố ,những bước chân âm thầm lặng lẽ của các họa sĩ, tô điểm những không gian phố xá thêm nhiều màu sắc. Họ cũng là người của phố phường Sài Gòn thực sự, dù gốc gác có thể không phải nơi đây. Nhưng đã chọn cái thành phố này để an cư lạc nghiệp.

     

    Thời gian có thể làm biến đổi mọi thứ xung quanh. Cuộc đời của chúng ta cũng vậy, khi đô thị càng ngày càng phát triển, người ta xa dần những không gian mộc mạc xưa cũ. Bởi lẽ đó những bức tranh tường hiển diện nơi quán xá như lưu giữ những kỷ niệm của thời xa xưa vọng lại. Có thể nói nói về dòng tranh này qua đôi nét mộc mạc vốn có của nó.

     

    Đây là chú bé bắt cua tại quán Út  Cà Mau tại Quận 3 ; kia là bức tranh Chợ Bến Thành xưa cũ( tại Đường 3/2 ,Quận 10); ở tại văn phòng sang trọng của công ty Hr1 (Bùi Thị Xuân ,Quận 1) thì có Nhà thờ Đức Bà đứng nghiêng nghiêng như ký ức hoài niệm của thời gian. Có biết bao nhiêu không gian đã vẽ tranh như vậy. Họa sĩ vẽ tranh tường đã góp tiếng nói của mình hòa chung với dòng đời đang ồn ào và tấp nập. Ít ai biết họ là ai, như chính cụ Nguyễn Khoa Điềm từng viết: "Không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ làm ra đất nước". Mỗi cá nhân chúng ta kết lại thành một đời sống của xã hội.

     

    Không đâu như Sài Gòn,có đủ dân tứ xứ đổ về, thực khách đi lại, ăn, uống cà phê hoặc dạo phố đều có thể cảm nhận chủ nhân qua các bức tranh tường: Người Hà Nội thì mang Hồ Gươm đặt vào trung tâm quán; còn Phố cổ Hội An nơi quán bún đậu kia đích thị có thể ông chủ là gốc xứ Quảng. Có bức tranh tường Cầu Tràng Tiền thật to ở Quận 12 ,chị chủ là người Huế, với giọng nói ngọt ngào đằm thắm, luôn vui vẻ với khách.

     

    Tôi đã từng vẽ biết bao nhiêu tranh cho các thượng đế nhập cư Sài thành. Họ luôn mong muốn mang một hương vị quê hương gốc gác cho không gian hiện tại. Người Bắc ưa tranh đồng quê và sơn thủy; các bác miền Tây thích vẽ những dòng sông quê hương với con đò xa tít tắp; mấy anh Đông nam bộ thích những dãy cao nguyên với đồi núi trập trùng; có  tranh phố Hàn nằm ở Quận 4 (ông chủ mì cay người Hàn Quốc); còn bức tranh Vạn lý trường thành nằm ở nhà hàng Củ Chi của thương gia người Hoa lấy vợ Việt; ở đường Đồng Khởi thì có cả bức tranh to vẽ ngôi chùa Nhật, thực khách không lạ gì ông chủ nước mặt trời mọc sang Việt Nam làm việc và mở thêm nhà hàng.

     Nhiều bức tranh phố Tây góp mặt tại các quận, huyện, gia chủ  là người ngoại quốc, họ có vợ Việt Nam, và chọn nơi đây là quê hương thứ 2, đa số biết nói lơ lớ tiếng Việt. Thành viên con cái thế hệ thứ 2 sống và hòa nhập y như người bản địa.

     

    Chưa hết, Sài Gòn- Hồ Chí Minh có một khu phố Tây (Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Quận 1), nơi đó bầu không khí về đêm khá náo nhiệt, các quán ăn mọc ra như nấm để phục phục phụ khách ngoại quốc. Những bức tranh tường vẽ ở khu vực này với đủ màu sắc hấp dẫn, đa phần là dòng tranh đường phố rất ấn tượng, nhiều cách thể hiện phóng khoáng đến mê hoặc. Lối vẽ ngẫu hứng Graffiti cũng được trình diễn khắp hàng quán nơi này. Ai đã từng đến khu phố Tây đều có cảm có giác như du ngoạn châu Âu thực sự. Vì không gian và phố xá toàn gặp người ngoại quốc. Họ nói chuyện ,ăn uống , đi lại hết sức vui vẻ và tự nhiên như chính nước mình vậy.

     

    Sài Gòn cũng có phố người Hoa (ở khu Chợ lớn), chỉ có điều họ đã thành một dân tộc của người Việt. Nhưng cách làm ăn buôn bán và phong tục vẫn còn đậm đặc nguồn gốc xuất xứ. Vẽ tranh tường cho người Việt gốc Hoa phải khá tỉ mẩn, mọi thứ chỉn chu từ phong cách đến gu thẩm mỹ và điều hướng phong thủy. Đa phần tranh vẽ hoài cổ, sơn thủy trầm mặc hoặc mây ,gió, trăng , hoa, tuyết, núi, sông...thư pháp cùng thủy mặc luôn được ưa chuộng hàng đầu.

     

    Tản mạn về nghề vẽ tranh tường ở Sài Gòn có vô vàn điều để nói. Ở bài viết nhỏ này mình chỉ nói ở những khía cạnh cảm nhận về bản thân. Cũng là sự trải nghiệm làm nghề , một người lặng lẽ góp nhặt niềm vui và tinh thần nơi thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Hè 2025

    Nguyễn Tâm -Art