Mỹ Thuật Tâm Nguyễn - Vẽ Tranh Tường Trang Trí Chuyên Nghiệp Dĩ An

Vẽ Tranh Tường Đường Phố Tại Sài Gòn - Nghệ Thuật Hay Cuộc Dạo Chơi Tinh Thần

Ngày đăng: 26/04/2024

    Tranh Tường Hòa Lẫn Vào Không Gian Phố Thị Sài Thành

     

    Người Sài thành lâu nay không xa lạ những bức tranh đường phố đang hiển hiện khắp nơi trên các tuyến đường. Thi thoảng lại thấy một bức tranh khá lạ mắt xuất hiện ở không gian nào đó. Vậy, họ vẽ vào lúc nào? Với mục đích gì, có ai đầu tư chi phí cho nghệ sĩ không? Họ là ai trong dòng chảy của cuộc đời này ? Những câu hỏi hay là mạch ngầm suy nghĩ thật đáng trân trọng, so với cái thời giờ quý hơn vàng ngọc này.

     

    Có một số tờ báo đưa tin và ghi hình những bức tranh tường đường phố khá dè dặt. Các tác giả bài viết cũng khá tò mò về những bức tranh rất lạ lẫm. Không có dấu vết của người vẽ, nghệ sĩ hoàn toàn vô danh sau những bức tranh đó. Mặc cho dòng người tấp nập qua lại hòa vào không gian ánh sáng của phố phường. Các con ngõ đường Phạm Ngọc Thạch ,Quận 3 tranh vẽ nhiều vô kể. Hiện giờ thì cung đường Võ Thị Sáu hay Cách Mạng Tháng 8 các bức tường dài mấy trăm mét đã phủ kín tranh tường. Lối vẽ hiện đại có, bình dân cũng nhiều. Có nơi trưng cả lô gô công ty nhưng tuyệt nhiên không có tên người vẽ.

     

    Người vẽ tranh tường lâu năm như mình đã tham gia rất nhiều nhóm vẽ tranh của Sài Gòn. Đa phần anh em trong nghề không lạ gì nhau. Khởi phát dòng tranh tường đường phố có lẽ là từ các nghệ sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Họ khá năng động, nhạy bén với xu thế. Biết làm Makerting và thương thảo định hướng với khách xuống tiền đầu tư. Vì sao tranh đường phố tường hay vẽ ở các con ngõ? Vì phía sâu bên trong là có cơ sở kinh doanh hay quán xá gì đó. Họ đã mạnh bạo đầu tư vẽ cả bức tranh dài,  vừa tạo được chú ý ,lại được bà con hay khu phố ủng hộ. Cách làm này đạt hiệu ứng tốt về truyền thông và sự thiện cảm của khách hàng.

     

    Để chiều được các thượng đế ,nhiều nhóm vẽ cũng đầu tư rất bài bản về phương án thiết kế và thuyết trình khá hấp dẫn. Nghệ sĩ khi đã gia nhập với kinh tế thị trường thì không còn ngu ngơ hay bị thụ động. Họ nắm bắt rất nhanh về xu thế của các dòng tranh, khai thác triệt để hình ảnh bản thân trên các nền tảng mạng xã hội : Các kênh Tiktok ,Facebook ,Youtube, Web ,Pinteres toàn đứng trên hàng top. Nhiều clip vẽ tranh đạt cả trăm triệu view không kém gì nghệ sĩ  showbit tên tuổi. Có lần mình đang vẽ tranh khách hàng còn hỏi: Anh có biết họa sĩ này họa sĩ kia không? Thậm chí còn đưa cả clip họ vẽ cho mình xem.

     

    Đó là trên nền tảng của nghệ thuật số ,còn dấu tích trên các bức đường phố là hoàn toàn bí ẩn. Hiểu một cách đơn giản họ vẽ theo nhóm, có khi số lượng tới cả vài chục người thì không thể nói là sản phẩm độc lập để ghi tên. Nó chỉ tạo được thương hiệu uy tín cho một đơn vị hay công ty nào đó. Có nhiều hãng sơn như Nippon cũng làm thương hiệu kiểu này. Họ xin vẽ các dự án miễn phí ,thuê họa sĩ vẽ rồi gắn lô gô công ty mình trên đó. Mạch ngầm quảng cáo là, muốn có tranh đẹp thì trước tiên phải có sơn tốt, bền và đặt mục đích của cộng đồng là trên hết. Rồi các nhà sản xuất sữa uống thì chọn vẽ miễn phí tại các trường Mầm non (người tiên phong là Nutifood) các bức tranh rất vui tươi , phố phường trông hấp dẫn lên hẳn. Đây là sự mời chào mua sữa rất tinh tế và hiệu quả.

    Ngoài ra , cũng có nhiều Ủy ban Phường hay Hiệp hội phụ nữ ,sinh viên ,học sinh cũng thường tổ chức vẽ tranh tuyên truyền cổ động vào các dịp lễ lớn. Kinh phí hoạt động quyên góp từ các nguồn xã hội. Những bức tranh ca ngợi quê hương ,thúc đẩy tinh thần lao động học tập, đấu tranh bảo vệ non sông đất nước là chủ đề của phong trào vẽ tranh : Đường phố, văn minh ,sạch đẹp và hiện đại.

     

    Trước đây cũng có nhiều công ty vẽ tranh đường phố khá nổi tiếng : Như Kiến Họa, Mỹ thuật Sài Gòn, Mỹ thuật An Nam, Tranh tường Art house, Tranh tường Nét Xuân , Tranh tường Cọ Vàng,  Tranh tường Sơn Phát , Mỹ thuật Đức Dự, Mỹ thuật Toàn Thịnh , Nghĩa Decor ,Mỹ thuật Thiên- Art, Mỹ thuật Quế Anh... Nói chung ,họ đều rất giỏi nghề và vẽ được nhiều thể loại. Nhưng có nhiều nhóm cũng đã chuyển hướng công việc, khi thị trường không còn sức nóng. Các nghệ cũng ít dần đất diễn ,hàng quán giờ đang thưa thớt và đóng cửa hàng loạt. Các công ty kinh doanh thắt chặt chi tiêu . Dần dà sự đầu tư về vẽ tranh được xếp sau cùng.

     

    Cuộc sống là vậy, phải biết chấp nhận sự biến đổi của thị trường. Đôi khi nó khắc nghiệt đến vô cùng. Nhớ khi xưa cả đại lộ đường Phạm Văn Đồng , Thủ Đức sáng choang vì tranh tường. Phố xá tấp nập suốt đêm, người đi ăn uống đông như trẩy hội. Giờ thì nó vắng vẻ đến buồn lòng. Các con phố Tây cũng chả vậy sao! Sau dịch Covit người ngoại quốc đến Việt Nam khá thưa thớt , chi tiêu thì dè sẻn. Các quán cà phê cũng không còn không khí bàn luận "long trời lở đất " về những dự án bất động sản tỉ nọ,tỉ kia nữa . Tất cả đều im lặng ngồi ngắm thời trôi đi trong mơ hồ và vô định. Vì lẽ đó nghệ sĩ vẽ tranh cũng bị cuốn theo cơn lốc suy thoái. Ai rồi cũng sẽ khác, chỉ biết nín lặng cùng suy tư trăn trở. Nhưng nếu còn một ngày để sống thì vẫn vẽ tranh thôi. Mong góp hơi thở của mình vào những cung đường quen thuộc. Ước mơ nhỏ nhoi mà cũng khá mặn mòi.

    Sài Gòn 26/06/ 2025

    Nguyễn Tâm -Art